Sáng 4/9, đội Quản lý thị trường số 6 thuộc Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái cũng như thuốc lá điện tử
Trong tháng 8, đội này đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát các hoạt động thương mại trên môi trường thương mại điện tử, thông qua các website, sàn giao dịch, Facebook, TikTok, Zalo…
Qua khai thác thông tin trên các nền tảng này, đơn vị quản lý đã liên tục phát hiện những sai phạm trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Theo đó, các đơn vị vi phạm các quy định về kinh doanh online, thiết lập website thương mại điện tử bán hàng, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Qua công tác giám sát hoạt động kinh doanh online tháng 8, đội Quản lý thị trường số 6 đã phát hiện vi phạm và lập các Đoàn kiểm tra đột xuất, tiến hành xử lý 4 vụ kinh doanh thuốc lá điện tử. Tang vật vi phạm bị thu giữ gồm 188 đơn vị sản phẩm là máy hút tinh dầu và tinh dầu các loại, tổng giá trị hàng hóa vi phạm gần 51 triệu đồng.
Về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, Cục quản lý thị trường đã phát hiện hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu như Chanel, Apple, Ray-Ban, Adidas… với hơn 1.012 đơn vị sản phẩm bị tạm giữ, tập trung ở các nhóm hàng về thời trang, linh phụ kiện điện thoại, điện tử…
Tổng giá trị hàng hóa vi phạm về giả mạo nhãn hiệu bị tạm giữ là hơn 35 triệu đồng. Các hành vi vi phạm về thiết lập website thương mại điện tử bán hàng cũng đã được phát hiện và xử lý kịp thời.
Trước đó, đội Quản lý thị trường số 14 thuộc Cục Quản lý thị trường TPHCM đã phát hiện và kiểm tra 2 hộ kinh doanh thuốc lá điện tử chủ yếu trên mạng xã hội tại phường Tân Sơn Nhì và Tân Quý, quận Tân Phú.
Kết quả kiểm tra, đơn vị quản lý đã tạm giữ gần 200 đơn vị sản phẩm các loại là máy hút tinh dầu và tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp để xuất trình chứng minh nguồn gốc hàng hóa, không có tài liệu chứng minh chất lượng hàng hóa, trị giá gần 30 triệu đồng.
Cục quản lý cho biết việc mua bán, trao đổi, giới thiệu sản phẩm về thuốc lá điện tử chủ yếu diễn ra trên các mạng xã hội, internet và một số trang thương mại điện tử nên việc phát hiện vi phạm cũng có nhiều khó khăn.
Do đó, việc kết hợp công tác nghiệp vụ và khai thác tốt quản lý địa bàn trên môi trường mạng, sẽ giúp khắc phục phần nào khó khăn, đơn vị quản lý nhận định.
Bên cạnh thuốc lá điện tử, đội quản lý sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát, quản lý địa bàn, giám sát các hoạt động thương mại điện tử để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. Các hoạt động góp phần chấn chỉnh, ổn định và tiếp tục phát triển về thương mại điện tử, một lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng đang chứa đựng nhiều bất cập cần được điều chỉnh.
Tính trong 6 tháng, Cục Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý 28 vụ vi phạm về thuốc lá điện tử, tạm giữ hơn 16.000 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử, phụ kiện và tinh dầu với tổng trị giá hàng hóa hơn 5,4 tỷ đồng. Đơn vị quản lý đã xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 477 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Các hoạt động thanh tra kiểm tra được tăng cường dựa trên kế hoạch số 2317 của Cục Quản lý thị trường thành phố về việc tập trung triển khai công tác về thương mại điện tử trong 6 tháng cuối năm.
Ngoài ra, Cục cũng thực hiện theo Công điện số 47 ngày 13/5/2024 của Thủ tướng về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
(责任编辑:Nhà cái uy tín)