Cô bạn Tây người Hung ra trường đi làm đã ba năm,ĐámcướinghèoởTâkeo nha cai .de chuyển ra ở riêng cùng người yêu được hơn một năm thì quyết định tổ chức đám cưới. Cả hai anh chị đều nhân viên cơ quan nhà nước, lương mới vào nghề, lại phải tự trả tiền thuê nhà và đủ các khoảng chi tiêu khác nên thường bị gọi “nghèo đói như chuột trong nhà thờ!”.
Lễ cưới ở “Tây” nhiều khi rất giản dị và đầm ấm, vui tươi - Minh họa: Internet |
Trước đám cưới một tuần, hội bạn bè thân gần chục đứa rủ nhau tổ chức một buổi “chia tay thời con gái”. Chúng tôi cùng nhau tham gia “khóa học” làm kẹo sô-cô-la. Trong ba tiếng đồng hồ ngọt ngào, chúng tôi vừa ăn sô-cô-la đủ loại - nóng, lạnh, mứt hoa quả, pha rượu rum… - vừa trố mắt nghe cô hướng dẫn nói về những “thâm cung bí sử” của nghề làm kẹo, rồi tranh nhau nháo nhào nhào thao tác. Mặt mũi, đầu tóc, chân tay, quần áo lấm lê bê bết, chưa kể đến những thứ trong bụng chắc đánh nhau sôi sùng sục mà đứa nào đứa nấy vẫn cười sằng sặc, chuyện trò rôm rả.
Đủ mọi chủ đề được đem ra bàn tán từ công việc, sếp cơ quan, đến thời trang quần áo, phim ảnh, nhạc nhẽo và tất nhiên khi chỉ toàn con gái thì không thể thiếu được chủ đề tình yêu, bồ bịch, kể cả “chuyện bậy” trên giường. Cái chính làm thế nào cho bạn mình và chính mình cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Tiền học phí trừ cô dâu tương lai ra còn tất cả chia đều, bằng đi ăn một bữa ở quán bình dân mà lại được hưởng không gian riêng biệt.
Coi như con cái đã trưởng thành, bố mẹ cả cô dâu chú rể đều không hề “nhúng tay” chút nào trong khâu tổ chức, chỉ là thành viên đến dự. Thiếp mời chú rể tự vẽ và in, một số đưa trực tiếp, một số gửi qua email, nhắn tin. Trang điểm cô dâu, làm tóc do một cô bạn đảm nhận. Khó nhất là khâu tìm áo cưới. Chuyện đi thuê trong các salon áo cưới cũng bị loại ngay khỏi danh sách bởi quá đắt, đặt mua trên mạng lại càng không.
May thay, mẹ của một cô bạn quen có cửa hàng bán quần áo outlet hạ giá, mỗi thứ chỉ có đúng một hai chiếc. Chúng tôi tìm thấy trong đó một chiếc váy trắng, nhẹ nhàng, không thêu không ren, không khung nhôm bên trong, may theo kiểu Hy Lạp, đúng “sở trường” của chú rể vốn dĩ học nghiên cứu về lịch sử Hy Lạp cổ đại. Giá mua chiếc váy “chóng mặt” luôn: 100 Euro, đúng bằng một phần tư với giá đi thuê một ngày! Cả lũ mừng rú đến mức phải chạy ra cửa hàng kem để ăn mừng thắng lợi lớn.
Lễ cưới được tổ chức làm hai phần: nghi lễ và liên hoan. Nghi lễ đơn giản nhất là ra Tòa Thị chính quận nơi mình đăng ký hộ khẩu. Quận nào cũng có một phòng riêng trang hoàng đẹp chứa được khoảng 70-80 người. Chú rể khoác tay mẹ đi vào trước còn cô dâu được bố đưa vào sau. Cần hai người làm chứng là anh chị em của cô dâu chú rể. Bà chủ tịch Phòng Kết hôn tuy hơi to béo nhưng ăn mặc lịch sự, đeo chéo người dải băng cờ Hung dẫn dắt buổi lễ.
Ấn tượng nhất là cách nói và giọng nói nhẹ nhàng, trơn tru, phát âm rất chuẩn mực của bà, đúng là rất “thạo nghề”. Sau khi tuyên bố xét đơn xin đăng ký kết hôn của hai người không gặp trở ngại gì về mặt luật pháp, bà mời từng người lên ký giấy vào sổ của Quận trong nét nhạc “Cuồng tưởng khúc Hungary” (Magyar Rapszodia) của Liszt Ferenc bật nhẹ vừa phải. Cô dâu chú rể trao nhẫn, hôn nhau và xuống ôm bố mẹ tặng quà cám ơn công sinh thành nuôi dậy.
Tác giả cùng các con và cô dâu trong ngày cưới |
Sau đó tất cả lại ngồi xuống cạnh nhau, nhưng giờ đã như đôi vợ chồng mới. Bà chủ hôn lại nói vài câu gì đó về tình yêu và trách nhiệm vợ chồng. Người có gia đình rồi nghe lại thấy cũng khá là đúng, người còn son lại tò mò muốn biết xem sao. Chỉ có cặp vợ chồng mới cưới có lẽ đang hồi hộp cảm xúc quá nên sau bảo chẳng nghe ra bà ấy nói cái gì. Chỉ đến lúc được gọi đứng lên đổ hai bình cát hai mầu trộn vào nhau mới giật cả mình! Chẳng có gì hào nhoáng hay “hoành tráng” đắt tiền nhưng có lẽ mỗi giây phút đều để lại cảm giác khó quên trong lòng người đến dự.
Cuối buổi, tất cả cùng nhau xếp hàng trật tự để đến ôm hôn chúc mừng cô dâu chú rể. Ai nấy đều xúc động, siết thật chặt tay, mừng rơi nước mắt mặc dù chẳng thấy một gói quà hay cái phong bì nào. Sau khi cùng đứng chụp chung tất cả mọi người một bức ảnh, chúng tôi giải tán mỗi người một ngả để chuẩn bị sức lực cho “ca đêm”. Nghe nói chỉ có bố mẹ cô dâu chú rể đi ăn cùng nhau một bữa cơm thân mật và do “hai họ” cùng đóng góp vào chứ không “bắt” đôi vợ chồng trẻ chủ cả chi như các trương trình khác. Đúng là bố mẹ Tây, rất sòng phẳng với cả chính con cái mình!
Địa điểm liên hoan tối rất bất ngờ mà lại sáng kiến: dưới sảnh tầng hầm của một bảo tàng mỹ thuật. Ban ngày vốn dĩ đó là quán cà phê cho khách du lịch tới tham quan. Tối đến thay vì đóng cửa họ cho thuê chỗ và cả nhân viên quầy bar. Bánh kẹo bạn bè họ hàng tự làm, đồ ăn nhấm nháp được mang đến thoải mái, chỉ có đồ uống là phải mua ở quầy, có đủ các loại từ nước hoa quả đến bia hơi, rượu vang, coctail, rượu mạnh… nhưng ai uống người đó tự rút ví trả tiền luôn.
Nhiều bạn cô dâu giờ mới biết đến nhóm bạn bè chú rể, họ hàng hai bên tự giới thiệu giao lưu với nhau. Có người mâu thuẫn lâu không nói chuyện nhân dịp này thôi như cũng bỏ qua. Có họ hàng đi tàu hỏa tận mấy tiếng ở “quê” lên, có bạn thân từ nước ngoài cũng bay về gặp mặt. Nhóm bạn bè thân từ lâu túm năm tụm ba buôn dưa lê… Nhạc nhảy disco được chọn sẵn trên máy tính, không gian rộng rãi tha hồ mà chuyển động ngang dọc. Có lẽ chẳng có ai là không tham gia nhảy, tùy theo sở thích, trình độ và sức lực của mình.
Tất nhiên cầm đầu vẫn là cô dâu chú rể nhảy với nhau, rồi chú rể nhảy với mẹ đẻ (trước làm giáo viên thể dục thể thao nên giờ vẫn khỏe ngang thanh niên!), mời nhảy cả lũ bạn gái cô dâu, ôm cả mẹ vợ nhảy, nhảy tập thể hét hò cũng cả lũ bạn trai... Thành phần thì cũng khó nắm bắt: bố mẹ cô dâu, anh em cùng mẹ khác cha của chú rể, con gái riêng vợ sau của bố, bố dượng và con trai riêng với cô bạn gái. Nhưng chẳng ai quan tâm, ai cũng hào hứng nhảy cho cô dâu chú rể vui, nhảy hết mình cho bản thân. Bốn năm tiếng trôi vèo, người nào người nấy mệt lử, đi đứng loạng choạng, nhưng cảm giác vui và hạnh phúc vẫn sáng bừng trên từng khuôn mặt, đôi mắt, nụ cười…
Cả tuần sau khi xem lại bộ ảnh cưới, chúng tôi vẫn như được sống lại với những cảm xúc mạnh lúc đó. Nghe nói tôi đi dự đám cưới, bố mẹ tôi ở nhà tò mò hỏi: “Đám cưới có to không con? Mời bao người? Mấy chục mâm? Con mừng bao nhiêu?”. Tôi suýt phì cười vì chẳng nhẽ trả lời “có mỗi mấy chục mống người, chẳng có mâm cỗ nào” bởi tôi nghĩ quà lớn nhất đối với đôi vợ chồng là khách đến dự mang theo tình cảm chân thật. Cộng cả hàng chục trái tim vào cùng một lúc chắc chắn sẽ thành một đám cưới cực to về tình yêu, tình cảm, hạnh phúc.
BS. Đặng Phương Lan (Budapest - Hungary- Theo Nhịp Cầu Thế Giới