Seven & i dự kiến IPO chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven và các trạm xăng tại Bắc Mỹ. Ảnh: Bloomberg. |
Theủchuỗti le wapoBloomberg, gia đình Ito - nhà sáng lập Seven & i Holdings (công ty sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven) cùng Tập đoàn Itochu đang tìm cách thuyết phục HĐQT Seven & i xem xét một giao dịch "Management Buyout" (mua thôn tính HĐQT) trị giá 60 tỷ USD.
Đề xuất này được đưa ra để thay thế đề xuất mua lại trị giá 7.100 tỷ yen (47 tỷ USD) từ Alimentation Couche-Tard Inc. (chủ sở hữu Circle K).
Theo các nguồn tin, thương vụ mua lại 60 tỷ USD này sẽ bao gồm kế hoạch IPO các cửa hàng tiện lợi 7-Eleven và các trạm xăng Seven & i đang quản lý tại thị trường Bắc Mỹ nhằm giải quyết áp lực tài chính từ các khoản vay.
Trong bối cảnh gia đình Ito đang chạy đua để chống lại đề xuất mua lại Seven & i từ Couche-Tard, việc niêm yết các hoạt động kinh doanh được xem là cách tối ưu để công ty huy động vốn.
Các khoản tiền huy động được sẽ dùng để thanh toán nợ vay tại 3 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản dự kiến đáo hạn trong đợt này.
Việc IPO bộ phận kinh doanh cửa hàng tiện lợi và trạm xăng tại Bắc Mỹ dự kiến giúp Seven & i huy động hơn 1.000 tỷ yen (6,6 tỷ USD) tiền mặt để trả một phần trong khoản vay 6.000 tỷ yen (39,8 tỷ USD) từ Sumitomo Mitsui Financial Group, Mitsubishi UFJ Financial Group, Mizuho Financial Group...
Nguồn tin cho biết Seven & i vẫn muốn giữ lại cổ phần trong doanh nghiệp sau bất kỳ đợt IPO tiềm năng nào.
Kế hoạch này cũng cho thấy gia đình nhà sáng lập Ito và Tập đoàn Itochu (vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi Familymart) đang tìm cách thuyết phục HĐQT Seven & i chấp thuận đề xuất của họ thay vì đề xuất của Couche-Tard.
Bất kỳ thỏa thuận nào được chấp thuận, đây cũng sẽ là thương vụ mua lại lớn nhất ngành bán lẻ Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu HĐQT Seven & i chấp thuận với đề xuất của gia đình Ito và Tập đoàn Itochu, điều này sẽ đánh dấu sự hợp tác giữa các công ty nội địa nhằm giữ lại một trong những doanh nghiệp nổi tiếng nhất Nhật Bản khỏi sự thâu tóm của nước ngoài.
Đề xuất được thông qua cũng đánh dấu sự hợp tác giữa 2 chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Nhật Bản là 7-Eleven và Familymart.
Cùng với việc tách các siêu thị trong nước và hoạt động bán lẻ của Seven & i đã được công bố trước đó, công ty này sẽ được chia tách thành 3 pháp nhân mới.
Hai mảng kinh doanh còn lại sẽ bao gồm các cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại Nhật Bản và các cửa hàng 7-Eleven, các trạm xăng Speedway và Sunoco ở Bắc Mỹ. Trong năm tài chính gần nhất tính đến tháng 2 năm nay, doanh thu của 2 mảng kinh doanh này vào khoảng 70,3 tỷ USD.
Seven & i cho biết công ty cũng có thể hợp tác với các đối tác chiến lược và niêm yết mảng bán lẻ trong nước. Một số người chia sẻ các kế hoạch đang được tiến hành nhanh chóng, đồng thời vòng đấu thầu thứ 2 cũng sẽ bắt đầu vào tháng này.
Seven & i sẽ tìm cách giữ lại cổ phần thiểu số, tương tự như mức sở hữu dự kiến sau đợt IPO mảng kinh doanh ở thị trường Bắc Mỹ.
Hiện tại, Seven & i chưa phản hồi Couche-Tard kể từ khi tập đoàn Canada tăng mức giá đề xuất mua lại Seven & i lên 18,19 USD/cổ phiếu vào tháng 10.
Trước đó, nhà bán lẻ Nhật Bản đã từ chối lời đề nghị mua lại của Couche-Tard bởi mức giá quá thấp. Tập đoàn này sau đó đã thực hiện tái cấu trúc nhằm nâng giá trị thương hiệu.
Stephen Dacus, người đứng đầu một ủy ban đặc biệt của Seven & i, cho biết nhóm đang xem xét các đề xuất từ gia đình Ito và Couche-Tard, cũng như các biện pháp riêng của công ty nhằm tối đa hóa giá trị công ty.
“Đồng thời, chúng tôi cũng tiếp tục hành động vì lợi ích tốt nhất của các cổ đông và các bên liên quan khác của công ty", Dacus cho biết trong một tuyên bố vào ngày 13/11.