Tại báo cáo đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết 17/2019 của Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025” trong năm 2020, Bộ TT&TT nhận định, công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng đã được chú trọng, song hành cùng quá trình phát triển Chính phủ điện tử. Ngay từ đầu năm nay, Bộ TT&TT đã xác định một trong những định hướng lớn của công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạngViệt Nam là các cơ quan, tổ chức cần triển khai mô hình bảo vệ chuyên nghiệp 4 lớp gồm: Lực lượng tại chỗ; Tổ chức hoặc doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; Tổ chức hoặc doanh nghiệp độc lập kiểm tra, đánh giá định kỳ; Kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia. “Việc triển khai bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp sẽ đảm bảo rằng các hệ thống thông tin trước khi đưa vào vận hành đã được kiểm tra và có đánh giá định kỳ. Bên cạnh đó, có đội ngũ chuyên nghiệp kiểm tra, đánh giá thường xuyên; đồng thời có sự liên thông dữ liệu để chúng ta có thể chung tay đảm bảo an toàn thông tin cho các cơ quan, tổ chức”, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT phân tích. Để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo rằng cuối năm 2020 có thể hoàn thành chỉ tiêu “100% các cơ quan, tổ chức Việt Nam triển khai bảo vệ an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp”, đầu tháng 7/2020, Bộ TT&TT đã ra mắt các nền tảng cung cấp dịch vụ Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin. Các nền tảng này, theo đại diện Cục An toàn thông tin, giúp cho các bộ, ngành, địa phương có thể rút ngắn tới 90% khối lượng công việc, thời gian để triển khai mô hình đảm bảo an toàn, an ninh mạng 4 lớp. Bởi lẽ, việc lựa chọn nền tảng cung cấp dịch vụ SOC đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin đã bảo đảm cho các cơ quan, tổ chức hoàn thành được hai lớp quan trọng trong mô hình 4 lớp là lớp 2 và lớp 4. Trong thông tin mới chia sẻ, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, tính đến tháng 12/2020, tổng số bộ, ngành, địa phương đã triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp là 83/83 đơn vị, đạt tỷ lệ 100%. Đáng chú ý, theo thống kê, từ chỗ tỷ lệ bộ, ngành, địa phương triển khai bảo đảm an toàn, an ninh mạng 4 lớp bằng 0% trong các năm 2018 và 2019; bước sang năm 2020 và nhất là nửa cuối năm nay tỷ lệ này đã liên tục tăng trưởng nhanh qua các tháng. Cụ thể, nếu như tháng 6/2020, tỷ lệ các bộ, ngành, địa phương triển khai bảo đảm an toàn, an ninh mạng 4 lớp là 19% thì đến tháng 7 đã tăng hơn 2,2 lần, đạt 43%. Trong ba tháng gần đây, tỷ lệ này lần lượt đạt 70%, hơn 96% và hiện đã cán mốc 100%. Để bảo đảm an toàn thông tin mạng, Bộ TT&TT đã đặc biệt quan tâm đến công tác giám sát, chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam, đánh giá, thống kê và đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo về nguy cơ mất an toàn thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết và phòng tránh. Nhờ vậy, ghi nhận từ hệ thống của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Bộ TT&TT cho thấy, trong tháng 12/2020, tổng số cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam dẫn đến sự cố là 315 cuộc, giảm tới 54,48% so với tháng 11/2020, giảm 0,94% so với cùng kỳ tháng 12 năm ngoái. Tính trong cả năm 2020, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ TT&TT đã ghi nhận tổng cộng 5.168 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 0,15% so với năm 2019. Vân Anh Ra mắt dịch vụ giám sát an toàn thông tin Make in VietnamSau một thời gian nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển, Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam (VSEC) vừa ra mắt dịch vụ giám sát An toàn thông tin toàn diện (VSEC VADAR) cho các cơ quan, tổ chức. |